9 thg 12, 2012

THÁI HOÀNG THÁI HẬU VŨ THỊ NGỌC TOÀNTRIỀU MẠC – BẬC MẪU NGHI THIÊN HẠ






                                                                                          Nhà sử học,  Ngô Đăng Lợi

Ban thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn ở chùa Trà Phương - Kiến Thụy - HP

Tất cả các bộ chính sử nước ta soạn thời phong kiến đều không ghi chép gì về Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn,chính cung Hoàng hậu của Thái Tổ Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Nhưng nhiều văn bia, tượng hậu phật cùng truyền thuyết dân gian lưu hành sâu rộng, nhất là huyện Nghi Dương ( Kiến Thụy nay) trung tâm Dương Kinh triều Mạc. Theo các nguồn sử liệu trên, bà người làng Trà Hương ( tên Nôm làng Chè) huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Đến đời Nguyễn Minh Mạng ( 1820-1841) mới đổi là làng Trà Phương vì kiêng tên Quốc húy. Làng Chè là một làng cổ, ít nhất có từ thời hậu Lý ( 1010-1225) vì câu đối trước cửa chùa Thiên Phúc làng này hiện còn đôi cấu đối chữ Hán:


“Lý triều khai sáng danh lam cựu



Mạc đại trùng hưng cảnh sắc tân”

Làng nổi tiếng là chốn địa linh nhân kiệt, thường sản sinh những bậc anh thư đức hạnh sắc tài trọn vẹn. Phương dao có câu:


Cổ Trai đế vương, Trà Hương công chúa

Thời xưa có nhiều vị Hoàng hậu, cung phi, mệnh phụ phu nhân; thời Pháp thuộc có người lấy hoàng thân Lào, có người lấy giám đốc Đài Thiên Văn Phù Liễn, chủ báo tin tức Hải Phòng được chồng nể phục tranh thủ chồng tham gia tu bổ lớn chùa Làng, bia ghi công hai ông bà hiện còn. Câu phương dao trên gắn với hình thế đất làng. Nếu đứng trên đỉnh núi Chè nhìn xuống cánh đồng làng thấy tạo hình chiếc gương, chiếc lược và con dao cau, tượng trưng đồ nữ trang và tài khéo léo của phụ nữ. Hiện nay, mương máng thủy lợi, nhà dân đan xen trên cánh đồng, nhưng dáng hình cũ vẫn còn dấu tích.
Làng Chè có nghề nông, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, buôn bán nên thuộc loại  làng mở vì phải đi mua thêm nhiều dâu ở nhiều vùng; còn tơ sống cũng phải mua thêm; lụa dệt ra phải đem bán khắp nơi, kể cả cho lái buôn ngoại quốc thường cặp bến ở xã An Thái, An Thọ, huyện An Lão không xa làng Chè.
Tộc phả cổ họ Vũ làng Chè không còn, nhưng di ngôn của tiên tổ thì họ này là một vọng tộc huyện Nghi Dương, có quan hệ huyết  thống với họ Vũ làng Trung Hành, huyện An Dương, di duệ của Khởi tổ ở làng Chằm, Vạc tức Mộ Trạch, Hoạch Trạch huyện Bình Giang xứ Đông. Làng có đến 36 vị hậu tiến sĩ Hán học đứng đầu cả xứ và cũng là mấy làng nổi tiếng học hành, đậu đạt của cả nước. Theo gia phả họ Mạc làng Cổ Trai, cô gái làng Chè lấy anh dân chài họ Mạc khi còn hàn vi. Cha mẹ Mạc Đăng Dung phải mở quán bán nước ở bến đò Cổ; còn  Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá. Gia đình không có ruộng đất, định  cư ở phường Thâm Võng, tức phường Lưới, chuyên xe gai đan lưới phơi chài. Dân vạn chài Bắc bộ thuộc loại không có tấc đất cắm dùi – vô lập chùy chi địa – phải mua đất trong đê của xã sở tại để làm mộ địa và miếu thờ. Từ khi về nhà chồng, cô gái làng Chè tần tảo buôn bán giúp chồng ăn học phát huy sở trường giỏi võ, giỏi vật; lại mời thầy dậy binh thư, binh pháp. Nhờ truyền thống thông minh hiếu học của tổ tiên, lại có chí quyết lập công danh khôi phục danh tiếng dòng họ, đền đáp công lao người vợ đảm nên 20 tuổi Mạc Đăng Dung đã đậu Tạo sĩ, tức Trạng nguyên võ. Vua Lê Uy Mục ( 1505-1509) mến tài đức cử làm đội trưởng một đội quân túc vệ, phụ trách việc cầm dù che xa giá. Đến năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực được tiến phong tước Vũ Xuyên Bá khi mới 28 tuổi do lập nhiều công trạng. Theo chế độ ngày ấy ông được mở phủ đệ riêng, ông chọn khu đất ở cuổi làng Chè do người vợ đảm mua để làm nhà ở, mời thầy dạy học thời niên thiếu. Phủ đệ này mang tên Phủ Cao. Năm 1539, chúa Trịnh Tùng sai quân triệt hạ Dương Kinh, Phủ Cao bị phá. Nhưng tên phủ còn lưu đậm trong trí nhớ dân địa phương. Thời thuộc Pháp, khi lập sân vận động phủ Kiến Thụy gò nền Phủ Cao mới vị san phẳng.
Hai mươi năm về làm dâu họ Mạc, bà Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng lập công danh, làm quân đầu triều mà còn giúp hai em ruột chồng là Mạc Đốc, Mạc Quyết, đích tử Mạc Đăng Doanh đều học hành thành đạt được vua Lê phong tước Từ Quận công,Tín Quận công. Khoảng đầu thời Quang Thiệu, Mạc Đăng Doanh được phong tước Dục Mỹ hầu, coi điện Kim Quang. Năm Canh Dần  (1530) được nối ngôi cha, mười năm ở ngôi, vua xây dựng quốc gia thịnh trị, yên bình được sử gia ca ngợi là bậc vua hiền. Khi chồng làm quan tại triều, Vũ phu nhân tranh thủ người đồng tộc, đồng hương là Vũ Hộ, quê làng Thù Du nay thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, một tướng tài, làm chức Đô đốc, Tổng trấn cứ Sơn Tây, Thượng thư bộ Lễ Phạm Gia Mô, quê làng Lê Xá, Thái úy Nguyễn Như Quế quê làng Đại Trà đều thuộc huyện Nghi Dương, Văn Đẩu hầu Nguyễn Chuyên Mỹ  quê làng Thạch Lựu huyện An Lão, một nhà giáo tài đức, đông học trò… đồng tâm giúp chồng.
Mạc Đăng Dung dựng nghiệp đế vương nhờ có công đóng góp rất lớn của bà vợ họ Vũ. Khi chồng làm vua 3 năm (1527-1529), rồi truyền ngôi ra ở ngoài nhưng vẫn định đoạt việc triều chính suốt 12 năm nữa, chính cung hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cai quản nội cung.Với tính nghiêm minh, chính trực, sáng suốt lại nhân từ, cung nữ kính tin, mến phục; các hoàng tử, công chúa, hoàng thân quốc thích thẩy đều ra sức phựng sự vương triều, thượng tôn pháp chế. Ngay thời con cháu chắt Bà làm vua, việc cai quản nội cung đều giao để các hoàng hậu đảm đương theo phép nước. Nhưng do đức tài uy vọng lớn của vương triều, của nội cung. Ngài chỉ “  chấp kỳ đại cương” mà triều Mạc không hề xẩy ra hiện tượng hoàng thân quốc thích cậy thế lộng hành, không có hiện tượng không tài kém đức mà được tuyển bổ, được lấy đỗ hương cống, tiến sĩ. Hiếm triều đại đế vương nước ta sách được về điểm này. Đối chiều, so sánh các triều đại phong kiến theo chính sử và dã sử thấy.
Đinh Tiên Hoàng tên húy là Bộ Lĩnh, con quan thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ về thời Dương Diên Nghệ, mất khi Bộ Lĩnh còn thơ dại. Nhưng thân mẫu Đinh Bộ Lĩnh lại cho con biết cha là một rái cá lớn đã hiếp bà mang thai. Họ hàng biết đã rình đập chết rái cá lúc bò vào buồng mẹ Bộ Lĩnh, rồi giết thịt, bà thương tình thu nhặt xương rái cá dấu trên gác bếp. Khi Bộ Lĩnh biết rõ năm tháng, ngày, giờ, rồng đá sông Hoàng Long mở miệng, anh hỏi mẹ hài cốt bố để đem táng vào hàm rồng, mẹ bảo dấu trên gác bếp, anh lấy xuống rửa sạch rồi bọc cỏ; khi rồng há miệng nhét vào. Nhờ mả bố táng hàm rồng nên kết phát trở thành hoàng đế nước ta.
Còn Hoàng hậu Dương Vân Nga đã tư thông với quan Thập đạo tướng quân điện tiền chỉ huy sứ Lê Hoàn khi chồng còn tại thế. Công lao của Đức Bà với đất nước là năm 980, quân Tống sang đánh, đã đem hoàng bào dâng lên Lê Hoàn để với danh hiệu hoàng đế chỉ huy quân dân chống giặc.
Lê Hoàn, người Thọ Xuân, Thanh  Hóa, nhà nghèo “  cha dỡ đó, mẹ xó chùa”. Sử chép cha tên là Mịch, nhưng nhiều sử gia khẳng định thợ khắc in lầm gắn chữ bất dính liền chữ, vì sử cũ ghi “ phụ bất kiến” nghĩa là cha không  biết là ai. Vậy thân mẫu Đặng Thị Sen dấu không cho con biết đích phụ Ngài là ai.
Vì vậy, mới bị sử gia phê phán “ Vua gian dâm trong cung mà lấy được nước, dẹp giặc bên ngoài để yên dân, trong nước an bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm đặt con nối ngôi để con cái làm loạn bên trong, rồi đến mất nước; về luân thường vợ chồng,có nhiều việc đáng thẹn”.
Lý Thái Tổ tên là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng người thân giao cấu sinh ra vua. Khi lên 3, mẹ đẻ ẵm đến nhà sư Lý Khánh Văn, ông này nhận làm con nuôi. Lý Khánh Văn là anh trai nhà sư Vạn Hạnh. Ngày ấy, dư luận cho sư Vạn Hạnh là cha Công Uẩn, nên có người đã đặt vè:


Con ai đem bỏ chùa này,



Con sư,con sãi,con thầy thầy nuôi.

Thượng hoàng Trần Thừa. Sử chép, ngài đi săn gặp thôn nữ tên là Tần ở vườn dâu, ngài đã hiếp cô thôn nữ sinh ra Bà Liệt. Trong một trận đấu vật ở Kinh Thành, Thượng hoàng mới nhận người con hoang. Linh Từ Quốc mẫu lấy Lý Huệ Tông sinh 2 công chúa. Khi Thủ Độ bức tử Huệ Tông lại lấy Linh Từ bà em gái họ. Rồi Trần Thái Tông nghe theo mưu Thủ Độ cướp vợ của anh đang có chửa, gây ra vụ loạn sông Cái. Vì vậy, các sử gia đều lên án nhà Trần về tội dâm loạn.
Lê Thái Tổ húy Lợi quê Lam Sơn, Thanh Hóa dựng cờ khởi nghĩa, trải bao gian hiểm suốt 10 năm mới đánh đuổi đô hộ nhà Minh tàn ác, tạo lên nghiệp lớn, được nhân dân tôn thờ kính tin. Nhưng nội dung có nhiều sai lầm, các bà vợ ngài đều không ai cáng đáng  nổi nội cung, có người thất tiết, bị bức tử như Huệ phi Phạm Thị Nghiêu, bị thất sủng như thần phi Trịnh Thị Lữ, mẹ quân vương Tư Tê. Còn Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, mẹ Lê Thái Tông, sử chép khi Bình Định vương bị vây ở cửa bể Trào Khẩu huyện Hưng Nguyên vòa đền thờ thần Phổ Hộ, đêm mơ thấy vị thần đến xin một người thiếp, sẽ phù hộ tướng quân diệt được giặc Ngô, làm nên đế nghiệp. Một mình bà Ngọc Trần xin nhảy xuống cửa Trào Khẩu với điều kiện không phụ con bà là Lê Nguyên Long. Chuyện thần bí quá, các sử gia cho đó là thủ đoạn của phe công thần muốn lật đổ quận vương Tư Tề, con cả Lê Thái Tổ. Chuyện thần bí này chỉ làm hại danh giá Lê Thái Tổ, vì đường đường là bậc chính nhân quân tử sao lại sợ thần tà dâm, kém xa Cổ Thiệu – đời Tam Quốc, chỉ là chức Thái thú quận Dự Chương mà cho phá hủy các đền thờ những thần bất chính, thần miếu Lư Sơn đòi làm trả đền, Cổ Thiệu không nghe thà chịu chết.


Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc triều Tây Sơn cũng có chuyện bê bối tình ái với bà em dâu, dẫn đến nội bộ lục đục. Bắc cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân của hoàng đế Quang Trung lao đao khốn khổ sau khi anh hùng “áo vải cờ đào” băng hà. Thậm chí mồ cũng không được yên, đời Thiệu Trị bị khai quật do có kẻ xấu tố cáo làng Nành, quê mẹ đẻ, có “”mả ngụy”.

Thuận Thiên Cao hoàng hậu, bà hoàng có danh giá nhất triều Nguyễn. Vua Gia Long có rất nhiều cung tần mỹ nữ, chỉ có bà được các tác giả Đại Nam biết truyện ca ngợi: “ Bà tính kiệm ước, hiền hậu, thông thạo kinh sử, hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ 30 năm ròng, tuổi gần 80, cháu tới hàng chút, nguồn vui tràn trề, thật là chuyện đẹp hiếm có xưa nay”.
Nhưng chính vua Gia Long đã tâm sự với một triều thần gốc Pháp là Chaigneau như sau: “  Trị nước thật dễ dàng, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”.
Vậy, tất cả các chính cung hoàng hậu các đời vua khai sang nước ta đều không bằng hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Không chỉ quản lý tốt nội dung, Vũ Thái Hoàng Thái hậu còn có công làm chùa tô tượng, đúc chuông, làm cầu, mở chợ…cúng dàng Tam bảo nhắm hoằng dương chính pháp nhà Phật lấy từ bi hỉ xả vô ngã vị tha làm tông chỉ. Theo PGS.TS Đinh Khắc Thuân, tác giá Văn bia thời Mạc ( NXB. HP.2010), chỉ tính riêng số bia ghi công đức hiện còn, chắc chắn không đủ vì mất mát, vì không dựng bia thì Đức Bà vẫn là đóng góp công, của nhiều nhất, chùa ít nhất 10 quan tiền ( chùa Báo Ân xã An  Chiểu huyện Phủ Cừ Hưng Yên), 6000 lá vàng ( chùa Bảo Phúc xã Thái Khê, huyện Yên Hưng – Quảng Ninh; các chùa Bà Đanh, và Thiên Phúc xã Thụy Hương, chùa Hòa Liễu, chùa Du Lễ… đều thuộc huyện Kiến Thụy, chùa Hoa Tân xã An Luận huyện An Lão, chùa Đông Minh, chùa Đốc Hậu… huyện Tiên Lãng… chùa ít thì mười mẫu, chùa nhiều nhất đến 30 mẫu. Số tiền trên đều do Đức Bà bỏ tiền riêng ra mua. Như vậy bổng lộc được hưởng phần nhiều dùng vào việc phúc đức.
Giáo sư Trương Đức Nghinh, trong chuyên luận “ Chợ chùa thế kỷ XVII” đăng trong tạp chí nghiên cứu lịch sử - Viện sử học số 4 (187) tháng 7 – 8/1979 phân tích khá sâu sắc quan hệ giữa chợ và chùa của làng quê Việt Nam, giáo sư chú ý khái niệm chùa Tam Bảo được phản ánh khá đậm trong các văn bản, bi kí nhiều thời kỳ lịch sử, đặc biệt ở thế kỷ XVII với 15 chùa Bắc Bộ, 2 chùa ở Thanh Hóa. Trong 15 chùa ở Bắc Bộ chỉ có chùa Lực Hành, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, căn cứ theo văn bia năm Bính Dần, hiệu Chính Hòa 7 (1686) cũng là “  Tam bảo cựu thị ( chợ Tam bảo cũ) nằm trong khu đất có chùa, có chợ ( cổ tích thị triều nhất khu” – vẫn theo giáo sư thì bia này không có đề mục, năm Gia Long 12 (1813) khắc lại bia cũ niên hiệu Chính Hòa 7 (1686) như vậy giáo sư không được đọc thác bản văn bia thời Mạc ghi về chợ Chùa hay chợ Tam Bảo.
Còn về năm sinh năm mất của Vũ Thái Hoàng Thái Hậu không có tài liệu nào ghi, nhưng có thể phỏng đoán Bà kém tuổi chồng chút ít. Mạc Đăng Dung sinh ngày 23/11 năm Quý  Mão niên hiệu Hồng Đức 14 (1483). Những bia ghi Đức Bà đóng góp tiền của ruộng vườn để làm chùa, làm chợ, làm cầu… đều ghi rõ năm tháng ngày niên hiệu vua Mạc thuộc hàng con, cháu, chắt đang trị vì đất nước. Bia sớm nhất là bia ghi việc Vũ Thái Hoàng Thái Hậu phát tâm bồ đề  trùng tu chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn. Bia tạo tháng giêng Kỷ Mùi niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559) triều vua Mạc Phúc Nguyên (1546-1592). Như vậy, Đức Bà sống thọ đến trên 100 tuổi và qua đời vào lúc 2 kinh triều Mạc vẫn còn giữ vững.
Lễ quốc tang chắc tổ chức long trọng đầy đủ nghi thức theo điển lễ triều đình và những chùa miếu Đức Bà công đức tiền của chắc đều làm lễ cầu siêu. Hiếm người được như vậy.
Rõ ràng Vũ Thái Hoàng Thái Hậu hưởng đủ ngũ phúc tam đa, ước nguyện của người phương Đông. Vương triều Mạc chỉ còn có danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt được.
Gương sáng của Đức Bà cũng giúp cho nữ giới hiện đại nhiều bài học quý giá về tu dưỡng bản thân, về xây dựng gia đình, về tham gia hoạt động xã hội.


Ghi chú:

Về tuổi thọ vượt 100, phụ bản báo Prada ( Nga) ngày 03/09/2012 cho biết: Lý nhà Thanh ban sắc mừng thọ.
- Báo Khánh Nguyên quê ở Tứ Xuyên Trung Quốc sinh năm 1677, làm nghề trồng và buôn bán Đông dược, năm 1933 mới qua đời, báo cho biết, năm Lý được 179 tuổi đến thăm tướng Dương Sơn. Hai người có chụp ảnh kỷ niệm; năm 150 tuổi và 200 tuổi được vua Hải Phòng, ngày 02/10/2012 mục thế giới đó đây (tr 7) đưa tin: cụ Robert Marchand người Pháp 100 tuổi đạp xe đạp đạt kỷ lục 100km với tốc độ bình quân 23km/h.
Tài liệu tham khảo:
- Mạc Đăng Dung và Vương Triều Mạc, Hội Sử học Hải Phòng, Hội Sử học Việt Nam 2009.
- Văn bia thời Mạc- PGS.TS Đinh Khắc Thuân – NXBHD-2010.
- Kiến Thụy xưa và nay – HU-HĐND- UBND- UBMTTQVN huyện Kiến Thụy – NXB Lao Động 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét