12 thg 5, 2012

SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI THỜI NHÀ MẠC SO VỚI THỜI NAY



Chùa Trà Phương do Thái Hoàng Thái Hậu và các thân vương nhà Mạc xây dựng  năm Thuần phúc sơ niên 1565, Người cúng chùa 1 mẫu 9 sào ruộng. Được bà Ngô Thị Dĩnh sửa 1936- 1938.

      Cánh đồng Hương dưới chân núi Chè xưa có ruộng hình gương, lược, mùa Đông trồng khoai lang giống Chuột lột ngon như bánh Phong. Ảnh Nguyễn Công Khanh - tháng 5/2012.

Ruộng của Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc cho làng Trà Phương, Thụy Hương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng qua truyền ngôn:

          Trước năm 1592 dân làng Trà được ân hưởng của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn về đất đai, Người mua ruộng của nhà nước cho dân quê sử dụng không phải nộp thuế gồm: 2 mẫu 5 sào trước cửa chùa Hoà Liễu là bến đỗ thuyền của Người, theo thuyền Người về thăm Trà Phương quê nội. Xuôi về Cổ Trai quê chồng, trên dòng ấy dài khoảng 10 km rộng khoảng 20 m và 3 mẫu ở bến thuyền cửa chùa Ngọc, diện tích ấy được cấy lúa để làm quỹ phúc lợi cho làng. Dân gọi là ruộng dải Yếm Bà Chúa kéo từ “Thượng chí Tiên Cầm hạ chí Kỳ Sơn”. Dòng ấy sâu hơn hai bên vài chục cm, lúa cấy trên dòng ấy bao giờ cũng xanh tốt, đặc biệt gạo ăn thơm ngon hơn gạo ruộng cấy bên.
          Sau năm 1592 nhà Lê – Trịnh thắng nhà Mạc, Trịnh Tùng tính tiểu nhân  đã đưa hơn 1000 quân về Dương Kinh trong 100 ngày tàn phá hết công trình của triều Mạc, đồng thời thu ruộng dải Yếm Bà Chúa kéo từ “Thượng chí Tiên Cầm hạ chí Kỳ Sơn” của làng Trà cho các làng lân cận và bao nhiêu ruộng của Người cho làng Trà bị nhà Lê – Trịnh thu nay chưa biết được. 
        Khi nhà Nguyễn nắm quyền, Ngô Duy Nhất người làng Trà, được bố vợ chánh tổng Nguyễn Công Hậu giúp cho học đã thi đỗ, được làm quan trong triều nhà Nguyễn đã kiện lên vua Nguyễn về sự nhà Lê -Trịnh thu ruộng “dải Yếm Bà Chúa” của làng Trà. Sau nhiều năm tranh tụng nhà Nguyễn đã xử cho dân làng Trà được sử dụng ruộng dải Yếm Bà Chúa như thời nhà Mạc.
        Dân làng Trà trả ơn Cụ bằng cho gia đình Cụ được sử dụng vĩnh viễn 3 mẫu ruộng ở bến thuyền chùa Ngọc, còn diện tích 2 mẫu 5 sào cửa chùa Hoà Liễu và dòng dải Yếm Bà Chúa dân làng sử dụng như lệ thời nhà Mạc.
         Bây giờ dòng ấy đã bồi, chính thể mới cắt đất cho các làng bên sử dụng. Vào cuối thế kỷ XX dân làng Trà đều xác nhận đó là sự thật.
         Ruộng của Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc cho làng Trà Phương ghi trong văn bản: “Trà Phương xã khoán ước” lưu tại Viện Hán Nôm:
   “Các bậc Tiên chỉ, Thứ chỉ, Ií hương dịch cùng mọi người trong xã Trà Phương, tổng Trà Phương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn lập văn giao ước. Vốn ngày trước đội ơn Hậu Thánh mẫu hậu để lại cho các thửa ruộng ở xứ Tiểu Khê là 40 mẫu 2 sào 10 thước 3 tấc 8 phân, trên từ Tiên Cầm[2](nay thuộc huyện An Lão), dưới đến Kì Sơn, Cống Khẩu cùng thửa  ruộng ở giữa xứ Tăng là 61 mẫu, xã Lỗi Bản nhận ruộng các xứ ấy, hứa cho là ngoại trừ  các phần cung ứng tô thuế ra, còn lại để cúng hết vào ngày giỗ chạp Thánh Mẫu. Nay bản xã hội họp lập văn từ cam đoan để lưu truyền vĩnh viễn, giao ước hàng năm cho thuê mỗi mẫu 13 quan 6 mạch làm định mức, nhưng giao Lí trưởng chiếu đông hè hai vụ thu khấu lấy tiền thuế, còn lại bao nhiêu thì giao cho Tiên chỉ nhận thu lấy để lo giỗ chạp (giỗ ngày 15 tháng 6, giỗ chạp ngày 15 tháng 12). Bản cam đoan này ghi rõ ràng đầy đủ các họ theo từng mục, kí kết mà chuyển giao cho Tiên chỉ nắm giữ để truyền lại mãi mãi lâu dài, chớ có phụ lòng.
Công đức của ta là Hậu Thánh Mẫu vô cùng vậy. Nay lập bản cam đoan.
Ngày mồng bảy tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) lập đoan từ.
Trùm tổng Hậu thần Nguyễn Công Trình kí.
Trùm tổng Hậu thần Ngô Vũ Thự kí
Tri tổng Hậu thần Ngô Đình Trạc kí.
Tri tổng Hậu thần Vũ Đức Chiêu kí”.
        
        Như trên ta thấy Hậu Thánh mẫu hậu (Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn) cho làng Trà các thửa ruộng ở xứ Tiểu Khê là 40 mẫu 2 sào 10 thước 3 tấc 8 phân, trên từ Tiên Cầm (nay thuộc huyện An Lão), dưới đến Kì Sơn, Cống Khẩu cùng thửa  ruộng ở giữa xứ Tăng là 61 mẫu.

“Trùm lão, Lí dịch cùng mọi người trên dưới trong xã Trà Hương tổng Trà Hương huyện Nghi Dương phủ Kiến Thụy, duyên do là đình vũ bị hư hỏng mục nát, sức dân cùng cực khó có thể thu bổ được, vì thế bản xã cùng Cai tổng tiến hành đo đạc các xứ ruộng, dư lẻ thế nào ghi thì vào trong sổ rồi chiếu theo để thu thuế, còn thiếu như thế nào thì bản xã cậy nhờ Cai tổng Ngô Duy  Nhất ứng xuất tiền của sức lực, thăm dò mua gỗ lạt để sửa sang lại đình vũ. Sau khi mua gỗ ngói làm xong, bản xã sẽ đề ba chữ “đại hưng công” và ghi tên sau.  Còn như trong xã có xứ Tiểu Khê, trên từ xã Tiên Cầm huyện An Lão, dưới đến Kì Sơn, Cống Khẩu; Phía đông tiếp giáp địa phận các xã  Kì Sơn, Cao Bộ, Ngọc Liễn, Thạch Liễn, Quế Lâm, Phương Đường; Phía tây giáp địa phận các xã Tú Đôi, Du Lễ, Nghi Dương, Xuân Dương; Phía nam giáp địa phận các xã Đề Lộ, Cống Khẩu; Phía bắc tiếp giáp địa phận các xã Hòa Niểu, Tiên Cầm của huyện An Lão, từ trước vốn là một vùng đất sâu để hoang hóa. Đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) khai khẩn được hơn 13 mẫu. Từ đó đến nay hai bên xâm chiếm, ruộng dân xã không được canh tác, thuế lệ thu lệch lạc. Vì thế bản xã hội họp có lời cậy nhờ Cai tổng Ngô Duy Nhất  xuất tiền của công sức giúp dân xã chỉ rõ địa giới canh tác. Nếu xã nào người nào nhiễu sự tranh chấp, gây tổn phí như thế nào bản xã cùng nhận. Đợi sau thành ruộng canh tác, dân xã chia ba mẫu ruộng ở xứ ấy đến trăm năm sau đề danh ở bảng, đặt ở bên trái trong đình phụng thờ. Đến kì cầu phúc được dự tế văn. Về sau trong xã người nào ngoan ngạnh được ruộng mà quên ơn, chôn dấu bảng kí, bản xã quy định tróc tiền văn 6 quan và coi là người ngoài. Hễ trong đình có việc tế tự yến ẩm, trong xã người nào ngồi cùng với người ấy thì cũng coi là người ngoài, để thành phong tục. Nay lập cam đoan, nếu người làm trái với lời đoan xin trời đất âm dương, tam vị Thánh vương ngưỡng trông chiếu giám chu diệt tam tộc, để chỉ rõ cho kẻ làm trái phong tục. Nay lập bản cam đoan.
Lập đoan từ ngày mồng 6 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2 (1849)
Nguyễn Công Hậu kí
Nguyễn Đức Trang kí
Nguyễn Đức Khuê kí
Vũ Công Liêu kí
Nguyễn Đức Cự kí
Ngô Xuân Hoằng kí
Vũ Phú Giang kí
Nguyễn Đức Lãnh kí
Ngô Đình Ổn kí
Đặng Văn Vui kí
Viết văn ước Nguyễn Đức Dòng kí.

         Đoạn trên đánh giá vai trò, công của Cai tổng Ngô Duy Nhất, con thứ hai của tổ họ Ngô (Bá Lâm) được hậu thuẫn bố vợ là Cai tổng Nguyễn Công Hậu (ở đầu danh Lập đoan từ ngày mồng 6 tháng 2 năm Tự Đức thứ 2 (1849) lấy lại ruộng của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cho làng Trà và sửa đình Trà Phương.
        “Như thế gồm địa giới ruộng các xã, phía tây giáp tiểu khê xã Trà Hương. Nay dựa theo các tiêu chí thực, sắc riêng cho các xã lân cận xem xét lại tiêu chí và căn cứ vào các nơi bị tố cáo cáo dẫn đến để đo đạc khám xét thì thấy xứ Tiểu khê ấy uốn lượn quanh co, rộng hẹp không đều, phải trái khe nước bốn đoạn thấy có ruộng mạ mọc linh tinh, còn một dải trong khe sâu cũng không thể trồng cấy được, bèn sắc cho chia đoạn đo đạc:
Đoạn thứ nhất, trên giáp địa giới ruộng xã Tiên Cầm huyện An Lão, ven bên trái đến Hòa Niểu của huyện ấy, bên phải giáp ruộng xã Du Lễ  huyện Nghi Dương dài 364 trượng, trên dưới dài 3 trượng, tổng cộng thành 4 mẫu 8 sào 8 thước.
Đoạn thứ 2, giáp hai xã Trà Hương, bên phải giáp xã Du Lễ dài 710 trượng, trên dài 3 trượng, dưới dài 7 thước5 tấc, tổng cộng 5 mẫu 9 sào hai thước 5 phân.
Đoạn thứ 3, phía bên trái giáp xã Trà Hương , bên phải giáp địa hai xã Tú Đôi, Du Lễ, dài 676 trượng 5 thước, trên dài 7 thước 5 tấc, dưới dài 3 trượng tổng cộng 5 mẫu 6 sào 5 thước 6 tấc 2 phân.
Đoạn thứ 4, bên trái giáp địa phận xã Quế Dương, bên phải giáp địa phận hai xã Tú Đôi, Du Lễ, dài 495 trượng 8 thước, trên dưới 3 trượng, tổng cộng 6 mẫu 6 sào 1 thước 6 tấc.
Đoạn thứ 5, bên trái giáp địa phận xã Ngọc Liễn, bên phải giáp địa phận xã Tú Đôi dài 58 trượng, trên dài 3 trượng, dưới dài 5 trượng tổng cộng 1 mẫu 14 thước 3 tấc 3 phân.
Đoạn thứ 6, bên trái giáp địa phận xã Thạch Liễn, bên phải giáp 2 xã Tú Đôi, Xuân Dương, dài xấp xỉ 410 trượng, ngang dài 5 trượng 5 thước, tổng cộng thành 10 mẫu 3 thước 3 tấc tam phân.
Đoạn thứ 7, bên trái giáp địa phận xã Kì Sơn, bên phải giáp địa phận xã Xuân Dương dài 172 trượng 5 thước, trên dài 5 trượng 5 thước, dưới dài 10 trượng 5 thước, tổng cộng thành 5 mẫu 1 sào 5 thước hợp cộng thông tất cả là 2886 trượng 8 thước ( 2886 trượng 8 thước x 3,33 m  = 9.613,0464 m xấp xỉ như tôi dự đoán : trên dòng ấy dài khoảng 10 km)
Trở lên trên chiểu theo bên nguyên bên bị, tổng tiếp lí dịch khai dẫn xem xét biên chép, miêu tả và vẽ sơ đồ cụ thể thu lấy ghi chép ký nhận các xã tại án, tống giải và phân tích cùng hai xã Trà Hương, Quế Lâm lên tỉnh bẩm biên. Nay khám biên.
Sau vụ kiện của làng Quế Lâm ta càng rõ thêm ruộng Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cho lang ta: Tổng cộng: 101 mẫu 2 sào, 10 thước 3 tấc 8 phân gồm: các thửa ruộng ở xứ Tiểu Khê là 40 mẫu 2 sào 10 thước 3 tấc 8 phân, uốn lượn 7 đoạn, trên từ Tiên Cầm (nay thuộc huyện An Lão), dưới đến Kì Sơn, Cống Khẩu ( Kiến Thụy) và thửa  ruộng ở giữa xứ Tăng là 61 mẫu.
Lâu rồi, nay tìm được tài liệu về điền địa của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cho làng ta mong rằng: Người làng Trà đoàn kết xây dựng làng ta ngày càng văn minh có nhiều người thăng tiến góp phần xây dựng Tổ Quốc văn minh theo nền văn minh của nhân loại, dù đất đai nay đã theo luật mới nhưng ơn với Người không thể nhạt phai.

 Ruộng của Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc cho làng Hòa Liễu ghi trong văn bia làng 


           Tại thôn Hòa Liễu có chùa Thiên Phúc và miếu thờ Thái Hoàng Thái Hậu người con của làng Trà. Đây là di chỉ nhà Mạc với những tượng Phật bằng đá, đặc biệt tượng Thái Hoàng Thái Hậu ở miếu lại được tạc vào phần nổi của một phiến đá cao khoảng 7 m, còn một phần chôn xuống đất, xung quanh là giếng nước. 
          Đây có thể là nơi Người tu theo đạo Phật. Bia còn tại đền thờ Người khắc ngày 18 tháng 4, năm Tân Dậu (1561) đời Mạc Phúc Nguyên năm thứ 9 ghi: Người và các quan, tướng, thân vương nhà Mạc mua 25 mẫu, 8 sào, 2 thước cúng vào tam bảo, cho dân Hòa Liễu thụ hưởng, trên bia đá còn ghi việc sử dụng: 12 người làng Liễu cao tuổi nhất mỗi người được cấy 2 sào để lo việc hương đăng 24 tiết tại chùa và đền, 3 mẫu dành cho người phải đi lính khi nào giải ngũ thì trả lại ruộng làng, 1 mẫu 4 sào thủ đình cấy, còn lại phát canh thu hoa lợi làm quỹ của làng. 
          Còn 2 mẫu 5 sào dân làng Trà hưởng, đây là điểm khởi đầu dòng dải Yếm Bà Chúa. 
          Sau nhiều thời gian số vật chất được tích lũy lớn, dân làng Liễu nhớ công ơn đã lập miếu bên cạnh chùa, tạc tượng Người để thờ cùng với nhiều đồ thờ được sơn son thếp vàng. 
         Việc tậu ruộng, sử dụng hoa lợi cho công ích của Thái Hoàng Thái Hậu là vấn đề cần được nghiên cứu của các nhà sử học chân chính.

Qua đây ta thấy:

Người xưa sử dụng tiền của cá nhân mua ruộng cho quê hương dù là Thái Hoàng Thái Hậu.

Người nay một số có tí quyền đã đè dân dưới cái tên mỹ miều: “đền bù” gần như cướp đất của dân.

Dưới nghị quyết Trung ương 4 sẽ quét sạch loại người làm quan không biết:“ …, cốt ở chỗ phải biết thế nào kẻ làm dân” đền bù như "bùa" để cướp ruộng của dân gây bất ổn cho xã hội, đang diễn biến để dân và nhà nước bất thuận về quản lý và sử dụng đất đai.

Ta lại thấy người xưa soi sáng cho người nay, liệu kẻ xấu thời nay có nhận ra ánh sáng không?

Phần chữ in nghiêng là bản trích từ bản dịch:  của Mai Hương, Hiệu đính: TS. Mai Ngọc Hồng - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, ngày 6 tháng 4 năm 2012.
Trà Phương - Hào Khê, Ấ.Tỵ nguyệt, N.Thìn niên - Nguyễn Công Kha








1 nhận xét:

  1. Chào chú, cháu là Hằng, là người đang nghiên cứu về kinh tế nhà Mạc. Cháu đọc được bài này của chú rất là thú vị và cảm ơn chú đã đưa ra tư liệu hữu ích cho cháu. Tuy nhiên, cháu muốn hỏi chú: Chú có bản "Trà Phương xã khoán ước" trong tay không ạ? Nếu có, thì chú có thể chụp ảnh hoặc photo giúp cháu (cả bản gốc chữ Hán và bản dịch) và gửi về địa chỉ email của cháu là: ngovuhaihang@gmail.com hoặc địa chỉ Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học, 38 Hàng Chuối được không ạ? Cháu cảm ơn chú.

    Trả lờiXóa