4 thg 7, 2011

Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Tiểu sử:
Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:
Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca.
Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú,…
Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đúng là một vị quan văn - võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước.
Sự nghiệp:
Hoạt động quai đê lấn biển vẫn tiếp diễn ở Kim Sơn
Quân sự:
Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia Long và Minh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó: 1827 dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp Khởi nghĩa Nông Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc.
Kinh tế:
Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông. Nhiều đình chùa tại các địa phương này cũng thờ ông và tôn ông làm thành hoàng làng.
Thơ ca:
Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
Hay:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
Hoặc:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:
Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao.
Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò. Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước, anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Hoặc trong bài "Bỡn nhân tình":
Tao ở nhà tao, tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói rằng không đến
Đến thì mi nói đến làm chi
Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông
Ghi chú: Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.
Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.

Đô Lương đón bằng di tích lịch sử văn hoá dòng họ Nguyễn Công

UBND huyện Đô Lương, UBND xã Thái Sơn và dòng họ Nguyễn Công vừa tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hoá của dòng họ.
Theo lịch sử ghi chép của gia phả dòng họ thì Hoàng Giáp Nguyễn Trọng Ngạn (1289-1370), vị tổ của dòng họ Nguyễn Công ở xã Thái Sơn là con trai trưởng của trạng nguyên Nguyễn Hiền - Nguyễn Trang Ngạn - một danh thần tiêu biểu của đời Trần. Trong cuộc đời làm quan, ông đã trải qua 4 đời vua triều Trần và đều được trọng dụng, ở cương vị nào ông đều ra sức giúp dân dựng nước, lập nên sự nghiệp rạng rỡ ở các lĩnh vực chính trị quân sự ngoại giao, văn hoá. Năm 1334, ông cùng Thượng hoàng Trần Minh Tông đi tuần thú đạo Nghệ An và đánh dẹp giặc ai lao ở phía tây xứ Nghệ. Sau đó, ông ở lại vùng đất này và chọn Bạch Hà làm nơi lập cư mới trở thành vị tổ mở đầu cho dòng họ Nguyễn Công ở Đô Lương ngày nay. Với công đức xây dựng vùng đất này, sau khi ông mất nhân dân và con cháu đã an táng thi hài ông bên cạnh vợ ở làng Lễ Nghĩa xã Minh Sơn, huyện Đô Lương và được con cháu chăm sóc phần mộ chu đáo. Trong cao trào cách mạng 30-31, nhà thờ họ Nguyễn Công là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng, nơi cất dấu tài liệu, nơi sơ tán làm việc của một số cán bộ Tỉnh uỷ trong thời kỳ như đồng chí Tôn Quang Phiệt, Tôn Gia Hưng, Tôn Gia Lòng và là nơi thành lập Tổng uỷ Bạch Hà. Trong kháng chiến chống thực dân pháp và chống Mỹ, nhà thờ còn là nơi hội họp, tập huấn cho cán bộ, bộ đội dân quân và dạy chữ quốc ngữ.
Xét qua bề dày lịch sử và công trạng của các bậc tiền nhân, trên cơ sở hồ sơ khoa học, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá để phát huy giá trị lau dài của di tích. Đây là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Công, cũng là niềm tự hào của Đảng bộ nhân dân xã Thái Sơn huyện Đô Lương nói chung về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hoá.


Thứ sáu, ngày 11 tháng hai năm 2011

Cụ Tổ Nguyễn Quang Thiều

Bản Cảnh Thành Hoàng Nam Sơn Linh ứng - Dực Bảo Trung Hưng Linh Phú Tôn Thần.
Tục thờ thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ, sau khi du nhập vào làng xã Việt Nam đã nhanh chóng bám rễ vào trong tâm thức người nông dân Việt, trở nên hết sức đa dạng.
Thành hoàng có thể là một vị thiên thần như Phù đổng Thiên vương, một thần núi như Tản Viên Sơn thần, một vị nhân thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng... lại có khi là các yêu thần, tà thần... với nhiều sự tích hết sức lạ lùng, nhiều khi có vẻ vô lý. Tuy nhiên các thành hoàng được sắc vua phong (trừ những tà thần, yêu thần...) luôn luôn tượng trưng cho làng xã mà mình cai quản là biểu hiện của lịch sử, của đạo đức, phong tục, pháp luật cũng như hy vọng sống của cả làng. Thành hoàng có sức toả sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ.
Theo tục lệ xưa, các đời vua thường phong các vị thành hoàng thành ba bậc: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần, tuỳ theo sự tích và công trạng của các vị thần đối với nước với dân, với làng xã. Các vị thần cũng được xét đưa từ thứ vị nọ lên thứ vị kia, nếu trong thời gian cai quản các vị này đã phù hộ, giúp đỡ được nhiều cho đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng. Việc thăng phong các vị thành hoàng căn cứ vào sớ tâu của làng xã về công trạng của các vị thần. Sớ này phải nộp về triều đình trong một thời gian quy định. Mỗi lần thăng phong triều đình đều gửi sắc vua ban rất linh đình và cất nó trong hòm sắc thờ ở hậu cung đình làng.
Thành hoàng cũng được gọi là phúc thần, tức vị thần ban phúc cho dân làng, thường mỗi làng thờ một thành hoàng, xong cũng có khi một làng thờ hai, ba hoặc hai ba làng thờ một vị. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng.
Đình làng là nơi thờ phụng thành hoàng và trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một đình riêng. Đình để thờ thành hoàng nhưng đồng thời cũng trở thành nơi hội họp của chức sắc trong làng, hay là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Mọi hoạt động này đều xảy ra ở đình với sự chứng kiến của thành hoàng.
Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức thành hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi.
Có thể cho rằng, thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. Cho nên sự thờ phụng thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng.
Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất nề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thành hoàng để xin phép trước. Có lẽ, sự ngưỡng mộ thành hoàng cũng chẳng kém gì sự ngưỡng mộ tổ tiên.
Ngày nay, lễ hội làng đang phát triển mạnh mẽ và nở rộ ở khắp nơi. Tục thờ cúng thành hoàng, diễn lại thần tích, rước xách, tế lễ đang được phục hồi, vì có như vậy mới ghi nhớ được công lao của các vị tiền bối với nước, với làng.
Thiên Hoàng Thiện Thịnh Cát Tứ Quan Trung Nam Cực Thọ Tinh Tràng cùng hưởng;
Lạc Thổ Lạc Giao Cù Lao Yên Trạch Đông Thành xuất sắc tự khai hoa.