4 thg 5, 2012

NGƯỜI TÀU LẤY VÀNG CÓ PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN LÀM HAI CÂY QUÉO BỊ CHẾT ĐỨNG

       Núi Trà Phương thuộc địa phận thôn Trà Phương, Thụy Hương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Tọa độ 20 0, 44’, 20”B, 106 0, 39’, 30” Đ, cao 52 m, sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết núi này cách huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương 7 dặm về phía Tây. Sách “Hải Dương toàn hạt dư địa chí” cho biết núi Trà Sơn, tại xã Trà Sơn, tổng Trà Hương, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương, cao 30 trượng, rộng hơn 100 mẫu. Chân núi có đền Linh Quy (Rùa Thiêng), trong sân đền có một khối đá thiêng hình Rùa nổi lên, bên cạnh có giếng rất ngon. Trong vùng đầm ao, sản nhiều rùa, dân không dám bắt, không cho mang ra khỏi làng; dân quanh vùng cũng thờ thần Linh Quy.
          Xưa vùng ven đầu núi Trà Phương về hướng Nam có hang bà Chúa Thao, Chúa Phấn liên quan đến triều Mạc, cây các loài mọc như rừng nguyên sinh, lạch nước chảy từ phía Bắc ven núi về Nam thuỷ triều còn ảnh hưởng nên thuỷ sinh nước lợ nhiều vô kể, đặc biệt là Rùa mai màu vàng, màu đen sống ở khắp làng Trà Phương là Linh Quy nên không ai dám động đến.
       
          Cách hang bà Chúa Thao về phía Nam khoảng hơn 30 m có hai cây quéo cao gần 30 m gốc to hơn 3 người ôm cách nhau 30 m theo hướng Đông Tây bốn mùa xanh, nhưng không bao giờ có quả? chiều đến chim các nơi về bay rợp trời rồi đáp xuống ngủ đêm. Phía Bắc là bụi tre gai chu vi khoảng gần 30m. Phía Nam là ngôi miếu diện tích khoảng 3 m2 không có bài vị, tượng thờ, tất cả có tự bao giờ không ai biết, cùng nhau tạo thành một vùng khí âm lạnh lẽo, nhiều người không dám đến. Đường đi là lối mòn vừa bàn chân đi sang làng Lái, rắn rết nhiều không mấy người dám đi.
           Khoảng năm 1893 Cụ Ngô Trọng Tứ và em trai từ xóm Ngoài lên đây khai phá dựng nhà rồi dân lên theo nay thành xóm Núi.
           Ngày 3 tháng 3 năm 1903 có 3 người Tàu đến trọ ở xóm Núi, làm thang bán ở chợ Phủ. Tre thời đó khoảng 3 xu một cây, nhưng họ mua hơn 3 xu một cây của dân làng, thấy khách mua giá đắt chủ nhà (1) chủ động bàn bán cho khách với giá 3,3  xu 1 cây ở vườn nhà. Hơn 30 ngày cây thẳng bụi tre gai bị chặt để làm thang. Những cây tre còn lại người Tàu chuyển sang đan thúng, hơn tháng tiếp bụi tre bị đốn sạch, người Tàu vẫn mua tre ở vùng lân cận để làm thang và đan thúng. Rồi họ đẽo guốc bằng gộc tre, guốc rất đẹp lại được vẽ các con vật theo Hoa Giáp giá 3 xu một đôi không kể to hay nhỏ, nên bán rất chạy, chỉ 3 tháng bụi tre đã hết cả gốc. Họ đào 3 hố tròn để cạp thúng ngay nơi bụi tre bị phá. Mọi việc cứ diễn tiến, chủ nhà bán được tre giá đắt, lại có nhiều phoi, tre vụn để đun, khách trả tiền thuê nhà từ 3 hào tăng dần đến 3 hào 3 xu một tháng, nên chủ vui lắm, vài ngày khách lại đãi chủ hai bên chén tạc chén thù vui không thể tả xiết.
        Ngày 3 tháng Mùi người trẻ tuổi nhất hơn 30 tuổi về quê để cúng cha, mua hai thúng khoai Chuột Lột – Đồng Hương (2) đặc sản làng Trà giá 3 đồng để làm quà sao nặng làm đòn gánh trĩu vai, khi từ biệt chủ và hai bạn đều say lúy tuý.
        Được 3 ngày có tin: bạn của hai người Tàu bị ốm ở Phòng (3), nên họ vội vàng trả tiền trọ cả tháng để ra Phòng hẹn vài ba ngày tới sẽ trở lại, cả hai cùng mua khoai Chuột Lột – Đồng Hương sao mà đòn gánh đều nặng trĩu vai?.
           Đêm đó Trời làng Trà mưa, sấm chớp dữ dội, nước ngập cả đồng làng. Chiều chủ nhớ khách ra ngắm nơi cạp thúng, thấy 3 hố còn 3 mê thúng cạp chưa xong, nhưng lạ thay một hố còn đầy nước sao lại có ngọn khói ở giữa bay lên thơm ngát, liền kéo mê thúng lên thấy phía dưới có cóng đường kính hơn 30 cm đầy nước, liền tát sạch nước thì thấy một mảnh vàng khoảng 30 đồng cân trong cóng gốm màu men vàng như trời chiều.
          Tháng 3 năm sau không biết tại sao cả hai cây quéo cùng chết đứng, chiều chim không về, rắn rết cũng đi đâu không rõ. Nay từ Phòng về qua đầu núi Trà phía tay trái cách hang bà Chúa Thao khoảng 30 m thấy một bụi tre um tùm đó là địa danh liên quan đến việc xưa.

                                                                             Ngày 3/3 /Tân Mão - Nguyễn Công Kha

1 – Vì l ý do tế nhị nên không đăng tên. 
2 – Loại khoai lang đường kính hơn 1 cm vỏ màu trắng, chỉ trồng ở Đồng Hương gần khu gương lược của Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc mới ngọt, bở, mùi thơm ngát, nay không còn giống.
 3- Địa danh gọi tắt nội thành Hải Phòng lúc đó. 
Theo lời kể của cụ Ngô Thị Suý người Trà Phương sinh năm Mậu Ngọ (1918) .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét