24 thg 2, 2016

VÀI SUY NGHĨ VỀ MIẾU ĐẠI VƯƠNG LINH QUY, QUÊ NGOẠI NHÀ MẠC


Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1070 nhà Lý đại thắng nhà Chăm Pa, bắt nhiều tù binh trên đường về Thăng Long đến cửa Văn Úc lũ lớn phải vào sông Họng khi qua Trà Hương & Tú Đôi đã cho một số tù binh người Chăm an cư tại Trà Phương & Tú Đôi, người Chăm đã lập đền thờ thánh của họ ở phía Tây Nam mả Đò, sau nhiều năm họ vượt biển về quê cũ không ai thờ tự nên người Việt gọi là chùa Bà Đanh (đầu thế kỷ XX còn dấu tích).
Làng Trà Phương tên cổ là Trà Hương năm 1813 nhà Nguyễn cho là phạm húy đổi thành Trà Phương. Trà Hương dịch theo tiếng Hán là: hương trà thơm, xưa hay lấy địa danh theo một vật thể ở vùng đó, có thể núi Chè ngày xưa có loại chè ngon mọc tự nhiên nên gọi là Trà Hương?. Năm 1527 Mạc Đăng Dung lập nên nhà Mạc, Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ vợ vua Mạc Đăng Dung là người Trà Phương, nên thời này Trà Phương phát triển rực rỡ với nhiều phủ, viện, con gái làng Trà có nhiều người đẹp nổi tiếng trong vùng Dương Kinh, ứng với lời đồng dao: “ Cổ Trai đế vương – Trà Phương công chúa”. Như vậy làng Trà Phương được lập trước năm 1070.

Thành Hoàng làng Trà có ba vị là: Thiên Thần Vọng Hào; Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ; Đại Vương Linh Quy. ( theo văn tế đình làng Trà)
Về MIẾU ĐẠI VƯƠNG LINH QUY:
“Núi Trà Phương thuộc địa phận thôn Trà Phương, Thụy Hương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Tọa độ 20 độ, 44’, 20” B, 106 độ, 39’, 30” Đ, cao 52 m, sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết núi này cách huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương 7 dặm về phía Tây. Sách “Hải Dương toàn hạt dư địa chí” cho biết núi Trà Sơn, tại xã Trà Sơn, tổng Trà Hương, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương, cao 30 trượng, rộng hơn trăm mẫu. Chân núi có đền Linh Quy (Rùa Thiêng), trong sân đền có một khối đá thiêng hình Rùa nổi lên, bên cạnh có giếng rất ngon. Trong vùng đầm ao, sản nhiều rùa, dân không dám bắt, không cho mang ra khỏi làng; dân quanh vùng cũng thờ thần Linh Quy” - Trích Từ điển địa danh Hải Phòng.
Xưa quanh núi Trà Phương cây các loài mọc như rừng nguyên sinh đặc biệt cây chè hợp thủy thổ nên phát triển mạnh nhất nên dân gọi là núi Chè & cổ hơn tên làng Trà Phương gọi là làng Chè, làng Trà Nhang ( có thể chữ nhang này thay chữ Hương do húy kỵ). Xưa sông cổ chảy từ Mai Dương qua Tiên Cầm chảy qua nơi giáp danh giữa Trà Phương & Phương Đôi, uốn sát ven núi Chè qua làng Quế xuôi về Cổ Trai, do vậy thuỷ triều sinh ra nhiều loài thủy sinh nước lợ đặc biệt là Rùa mai màu vàng, màu đen sống ở khắp làng Trà Phương. Chân núi có một khối đá thiêng hình Rùa nổi lên, bên cạnh có giếng rất ngon, nhà Lý cho lập miếu gần khối đá thiêng hình Rùa & sắc phong thần miếu là:” Đại Vương Linh Quy” Nơi đây cây cối bốn mùa xanh tốt chiều đến chim các nơi về bay rợp trời rồi đáp xuống ngủ đêm. 
 Ngày 6 tháng Hai hàng năm là ngày lễ Đại Vương Linh Quy, các Giáp mang lễ là lợn nguyên con, cùng đồ tế lễ, mình Đại Vương Linh Quy được phủ kín giấy màu đỏ, kết thúc lễ được hóa cùng vàng mã.
Miếu “Đại Vương Linh Quy” được sửa lại vào năm 1925( Ất Sửu) khuôn viên 10m x 20m, hướng cửa Tây Bắc có tam quan, tọa Đông Nam, tả hữu có giải vũ để người tế lễ đứng, trước đầu Đại Vương Linh Quy là bàn để lễ, phía sau Đại Vương Linh Quy là ngôi miếu thờ bài vị, phía sau miếu có cây duối to hơn người ôm. Năm 1947 người Pháp bắn đạn cối vào gần miếu do sức ép nên miếu hư hỏng nhẹ, miếu đổ đến cuối thế kỷ XX miếu chỉ còn lại móng, Đại Vương Linh Quy bị hủy hoại phần đầu. Khoảng đầu thế kỷ XXI dân đã phục dựng khu miếu này.
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am,… Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, miếu thờ thần núi là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần, thờ thần đất là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ. Miếu ” Đại Vương Linh Quy” là trong hệ thống thờ phụng trên.
Theo thống kê thế giới nay có khoảng 37.000 tôn giáo.Tại Việt nam có tới 10 đạo khác nhau: 1. Đạo Ông bà (Ancestor Worship), 2. Đạo thờ Thần (Idolatry), 3. Đạo Lão (Taoism), 4. Đạo Khổng (đạo Nho) (Confucianism), 5. Đạo Phật (Buddhism), 6. Đạo Công Giáo (Catholicism), 7. Đạo Tin Lành (Protestantism), 8. Đạo Cao Đài (Caodaism), 9. Đạo Phật giáo Hoà Hảo (Hoa Hao Buddhism), 10. Đạo Hồi (Islamism).
 Theo quy định của các tôn giáo đều có lời khấn, thề... riêng,  ví dụ: lời khấn đạo Phật mở đầu là: "Nam mô a di da Phật". Với hơn hai tỉ giáo dân công nhận Chúa Giê-su là Đấng Lãnh Đạo của họ.  Đây là lời cầu nguyện Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ, và được mở đầu như sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10. và nhiều tôn giáo đều có lời khấn... riêng.

 MIẾU ĐẠI VƯƠNG LINH QUY lời khấn nên là: "Kính bái Đại Vương Linh Quy" mới đúng lễ nghi thờ thần. Nhiều tín đồ đã ngộ nhận dùng lời khấn: "Nam mô a di da Phật" có lẽ sai vì  Đại Vương Linh Quy là Thần chứ không phải là Phật.
Nay dân đã phục dựng một phần khu thờ tự Đại Vương Linh Quy mong rằng chúng ta cần nghiên cứu xây dựng, thờ phụng theo thuần phong mỹ tục, theo quy định của pháp luật, không để những kẻ lợi dụng tôn giáo trục lợi, có như vậy việc thờ phụng mới có giá trị nhân văn góp phần xây dựng làng Trà Phương quê hương của Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc, một miền quê đầy huyền thoại cổ tích nhanh chóng trở thành “nông thôn mới” theo chủ trương của Đảng & nhà nước.

"KÍNH BÁI Đại Vương Linh Quy !", cầu mong Đại Vương Linh Quy phù hộ độ trì cho các tín chủ được hưởng phúc, phù hộ độ trì cho dân làng Trà Phương: An, Khang, Thịnh, Vượng, xứng với thời Thái Hoàng Thái Hậu và càng ngày phát triển bền vững, xuất hiện nhiều nhân tài vì nước vì dân!
Trà Phương, Mùa Xuân Bính Thân! Nguyễn Công Kha. Blog, Khatraphuong.

Cánh đồng Hương - Trà Phương, năm 2012. Ảnh Nguyễn Công Khanh, PV báo Tiền Phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét