1 thg 8, 2012

PHẢI “TRẢM” NHỮNG KẺ VIẾT SỬ KHÔNG CHÂN CHÍNH



Thời nào cũng có Anh hùng và tiểu nhân, triều nào đầu thịnh cuối suy rồi mất, Anh hùng lại lập nên triều mới… Thương thay triều Mạc, triều Quang Trung bị triều thắng trả thù ghê rợn bằng đao…, nhà viết sử cũng uốn mình kiếm cơm nên sử cũng méo theo.
 Nay dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng sử cũ đã chỉnh lại cho nhà Mạc, nhà Nguyễn và nhiều nhân vật lịch sử... Nay nếu kẻ viết sử nào uốn mình kiếm cơm, Đảng phải “trảm sớm” những kẻ đó, để mai sau ca tụng Đảng, ca tụng những sử gia chân chính của thời nay.
Chuyện kể về hơn 400 năm trước:
Ngày 15 tháng Mùi hàng năm là ngày giỗ Thái  Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vợ vua Mạc Đăng Dung, tại Trà Phương, Thụy Hương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ông nội tôi hay đàm đạo với các cụ trong làng Trà Phương như bà Tươm, ông Thấn, ông Cù, ông Ban... là các lão làng Trà Phương ngày đó. Tôi mới hơn 6 tuổi hay đun nước, pha trà cho các cụ do vậy hay nghe được câu chuyện xưa, nay thấy tiếc làm sao, nếu khi đó có máy ghi âm ghi lại thì được bao chuyện hay, đặc biệt là những chuyện liên quan đến nhà Mạc. Nay tôi nhớ lại chuyện : "Cổ Trai Đế Vương – Trà Hương Công Chúa (1)":

Mạc Đăng Dung quê làng Cổ Trai, tổng Cổ Trai, xứ Đông, khi trẻ đẹp trai, cao lớn sức khoẻ hơn người, với Phạm Gia Mô (Thượng thư nhà Lê quê Tú Sơn, Kiến Thụy) vừa là bạn vừa làm hộ vệ. Trong chuyến lai kinh khi đến làng Trà Hương đợi đò, ông Phạm vào nhà bạn học họ Vũ để đàm đạo, Đăng Dung ở ngoài quán nước vợ nhà nho, thấy từ sân đình Trà Hương xướng tên người lên sới vật để lĩnh thưởng, Đăng Dung hỏi bà: Liệu cháu vào vật thắng có được lĩnh giải không? Bà nhìn Đăng Dung thấy cậu trai trẻ to cao đẹp đẽ hơn người bèn hỏi lại: anh to cao đấy nhưng có mẹo không? Ý là anh cao to hơn người nhưng không có miếng võ vật thì cũng bị người nhỏ quật ngã đổ như khúc gỗ mà thôi. Nhìn ánh mắt của bà, Đăng Dung hiểu ý và hỏi lại: nếu cháu vật thắng thì bà tính sao? Bà không ngần ngại trả lời như thách đố: nếu anh thắng, tôi gả không con gái cho anh, bà vừa dứt lời, Đăng Dung thấy cô gái trong nhà đi ra quán nước, vẻ đẹp của cô làm chàng ngẩn người, Đăng Dung đã đi khắp nơi, kể cả kinh thành cũng không ai sánh bằng. Nghe tiếng trống giục, Đăng Dung vội lao vào xới vật sợ lỡ cơ hội. Nhìn cô gái đẹp chưa bao giờ thấy và lời nói như thách đố của bà mẹ làm Đăng Dung phấn khích vô cùng.
Đăng Dung nhẩy ngay lên sới vật xin thách đấu. Đô vật chuẩn bị nhận giải nhất và khán giả ngỡ ngàng vì người vô địch hình thể có bề hơn Đăng Dung, đã nhiều năm không có đối thủ vì có miếng vật độc đáo. Người vô địch cùng khán giả cùng vỗ tay rầm trời. Trong ánh mắt mọi người chắc chắn người khách lạ sẽ thua nhanh như bao chàng trai hám danh dám đấu với người vô địch nhiều năm ở sới vật này.
Hai đô vật theo trống giục ra ràng đẹp như hai con hổ múa khiến khán giả vỗ tay cổ vũ như vỡ mái đình, xong màn trình diễn, hai đô vật cúi đầu chào khán giả. Keo một bắt đầu, hai bền vờn nhau để tìm miếng cũng đẹp như hổ. Cả sới vật như nín thở, căng mắt nhìn xem ai ra miếng trước, trong nháy mắt Đăng Dung dùng miếng “vét” làm đối thủ ngã lấm lưng. Sau vài tích tắc, sới vật như vỡ tung vì điều kỳ lạ: người bách chiến bách thắng mấy năm nay đã thua khách lạ.
Hai đô vật bắt tay vào hiệp hai, nhanh như chớp đối thủ hạ mình lao vào Đăng Dung dùng miếng “vét” nhưng Đăng Dung né sang phải làm đối phương mất đà thuận theo Đăng Dung luồn tay bốc bụng đặt đối phương nằm ngửa giữa sới trong tiến reo hò vang như lở đất trời.
Đối phương đứng dậy bắt tay ôm hôn Đăng Dung xin nhường giải nhất không cần đấu keo tiếp và xin quý danh, quê quán. Hai bên ôm nhau thắm thiết như hai bạn thân lâu ngày mới gặp.
Ngay lúc đó, người hầu truyền lệnh Đăng Dung phải lên đường. Đăng Dung chỉ kịp chào bạn võ, chào khán giả, không kịp lĩnh giải và tạm biệt bà bán nước, nhưng thấy bóng hồng thấp thoáng trên vườn dâu cạnh bến đò khiến lòng Đăng Dung da diết khôn tả. Trên thuyền, quan họ Phạm giục đò đi nhanh mà lòng Đăng Dung muốn đi chậm để nhìn theo bóng hồng trên bến đò như vẫy chào Đăng Dung!
Sau chuyến lai kinh trở về Trà Hương gặp bà hàng nước, lòng ông như mở cờ, nhưng nghĩ đến phận mình liệu nhà nho danh giá ấy có theo lời vợ không? Nhẩy vội lên bờ, Đăng Dung xin họ Phạm được về sau, quan đồng ý cho Đăng Dung ở lại Trà Hương. Lòng ông mừng vui khôn tả khi gặp bà chủ quán, bà chủ tươi cười chủ động nói: Anh sợ tôi sai lời hứa chăng? Ông nhà tôi đang đợi anh trong nhà. Đăng Dung cười tươi không nói nên lời, xin bà chén nước rồi mạnh dạn bước lên thềm, thấy bóng hồng thấp thoáng ở vườn dâu. “Anh đã lai kinh về có vui không?” Đăng Dung giật bắn người, thấy thầy đồ đang đón mình ngoài cửa nhà. Ông mời Đăng Dung ngồi xuống tràng kỷ, uống chén rượu nhỏ và nhẹ nhàng nói: Vài lần trước tôi nghe họ Phạm nói về anh, nay thật xứng danh, tôi nói với nhà tôi phải giữ đúng lời đã hẹn với anh.
Đúng như lời hẹn, trai tài gái sắc nên duyên vợ chồng. Lần lai kinh tiếp Đăng Dung đỗ Trạng võ. Vua Lê bổ làm quan Đô Lực Sĩ, Đăng Dung đưa vợ Vũ Thị Ngọc Toàn lai kinh. Bà là người tài giỏi, đức hạnh nên được hoàng hậu nhà Lê cho dạy các công chúa. Do công lao của bà mà các công chúa  trưởng thành theo lễ giáo của người xưa, vua Lê nhận bà làm con nuôi và bà đương nhiên trở thành Công Chúa.
Trước khi Mạc Đăng Dung làm vua, đồng dao vùng Dương Kinh có câu: "Cổ Trai Đế Vương – Trà Hương Công Chúa" đến bấy giờ đã linh ứng, đồng thời cũng lý giải được bà trở thành công chúa trước khi là Hoàng Hậu nhà Mạc.
Sau này bà được Nhà Mạc phong làm Hoàng Hậu rồi phong làm Thái  Hoàng Thái Hậu.

Chuyện ông nội tôi kể cho nghe khi nhỏ, nay đã cao niên càng thấy tâm đắc vì nó phản ánh đời sống của con người vùng đất Dương Kinh cách đây hơn 400 năm mà tôi thấy như mới hôm qua.
Thái Hoàng Thái Hậu nhà Mạc:
Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà Hương, huyện Nghi Dương xứ Đông, nay là thôn Trà Phương, xã Thuỵ Hương, huyên Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Trước khi hợp tác xã nông nghiệp cải tạo đồng ruộng, nếu đứng về đỉnh núi Chè nhìn xuống cánh đồng Hương thấy rõ hình một gương tròn, một chiếc lược và con dao nhỏ. Thế đất ấy, theo các nhà phong thủy giải thích: làng Trà Phương xưa thường sinh con gái có nhan sắc, đức hạnh. Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đích của vua khai sáng nhà Mạc là Mạc Đăng Dung đã chứng minh thuyết phong thủy trên.
Sử liệu chính thống hiện không có thông tin gì về bà, nhưng sử liệu điền dã và nhất là bia thời Mạc nói về bà rất nhiều. Hai nguồn sử liệu này đều thống nhất ca tụng vị Thái Hoàng Thái Hậu này “là bậc thánh mẫu của thánh triều, chính vị Đông trào, hóa thành nam quốc, sánh đức thánh thiện Đồ Sơn (nhà Hạ)” (Văn bia ghi việc trung tu chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ huyện Giáp Sơn). Dân vùng Kiến Thụy, An Lão nay còn truyền dải đất ven đầm từ trang Tiên Cầm đến Kỳ Sơn tục gọi là giải yếm bà Chúa là ruộng Thái Hoàng Thái Hậu ban cho dân Trà Phương. Riêng về việc bà đứng hưng công xây mới, sửa chữa chùa chiền, cầu quán, chợ búa còn khá nhiều như chùa Sùng Quang xã Do Nghi huyện Vĩnh Lại, chùa Thánh Thọ xã Hoàng Trạch huyện Cẩm Bình, chùa Sùng Ân xã Thọ Lão huyện Phù Tiên, chùa Bảo Thúc xã Thái Khê huyện Yên Hưng, chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ huyện Giáp Sơn, chùa Báo Ân xã An Chiểu huyện Phù Tiên, chùa Phổ Chiếu xã Văn Lan nay là thôn Văn Hòa, chùa Bà Đanh nay là Thiên Phúc Tự, xã Trà Hương nay là thôn Trà Phương, chùa Trúc Am thôn Du Lễ đều thuộc huyện Kiến Thụy; chùa Hà Lâu xã Đông Minh nay là thôn Đông Ninh, chùa Minh Phúc và cầu Quán ở xã Cẩm Khê nay là thôn Cẩm Khê đều thuộc huyện Tiên Lãng.
Số tiền, ruộng bà cúng cho các nhà chùa không nhiều, nơi ít nhất là 10 quan tiền như chùa Báo Ân xã An Chiểu, nơi nhiều nhất là chùa, cầu, quán xã Cẩm Khê do bà hưng công, sau lại mua cho xã 5 mẫu ruộng trị giá 120 lạng bạc.
Riêng chùa Bà Đanh ở quê, bà cũng chỉ cúng có 1 mẫu 9 sào ruộng, nhưng ruộng “dải yếm bà Chúa diện tích rất lớn kéo dài từ Thượng chí Tiên Cầm, Hạ chí Kỳ Sơn. Sự hay của dải đất này là theo hướng Bắc Nam thì ruộng bắt đầu từ cửa chùa Thiên Phuc làng Hoà Liễu ruộng có diện tích 2,5 mẫu, dải yếm uốn lượn lên phía Bắc khoảng vài trăm mét thuộc địa phận thôn Tiên Cầm rồi lại uốn xuống làng Liễu phía Nam xuôi về làng Trà dải ấy lại rộng thành đầm diện tích hàng chục mẫu ruộng, tiếp uốn lượn xuống phía Nam đến làng Kỳ Sơn và lại uốn lên phía Bắc khoảng vài trăm mét đến cửa chùa Ngọc kết thúc là diện tích 3 mẫu ở cửa chùa này.
Như vậy diện tích dải Yếm này dài khoảng hơn 10 km, rộng 20m, đầu phía Bắc diện tích là 2,5 mẫu, đoạn giữa thuộc địa phận Trà Phương rộng hàng chục mẫu chính là đầm cửa chùa Thiên Phúc kết thúc là 3 mẫu ruộng cửa chùa Ngọc.
Nếu ta nghiên cứu sẽ thấy sự kỳ diệu của ruộng dải yếm bà Chúa về hình thể uốn lượn như dải yếm tung bay trước gió, cũng như diện tích của nó.TheoKHOÁN ƯỚC XÃ TRÀ PHƯƠNG” lưu tại  Viện Nghiên cứu Hán Nôm thấy: Vốn ngày trước đội ơn Hậu Thánh mẫu hậu để lại cho các thửa ruộng ở xứ Tiểu Khê là 40 mẫu 2 sào 10 thước 3 tấc 8 phân, trên từ Tiên Cầm (nay thuộc huyện An Lão), dưới đến Kì Sơn, Cống Khẩu cùng thửa  ruộng ở giữa xứ Tăng là 61 mẫu, xã Lỗi Bản nhận ruộng các xứ ấy, hứa cho là ngoại trừ  các phần cung ứng tô thuế ra, còn lại để cúng hết vào ngày giỗ chạp Thánh Mẫu.”  thì diện tích ruộng khoảng 101 mẫu.
Những nơi bà có tham gia đóng góp dù ít dù nhiều đều thấy có nhiều hoàng thân, quốc thích, đại thần văn võ nhà Mạc tham gia đóng góp.
Có thể nói Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có công với việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
Qua câu chuyện xưa và sử để lại, các nhà sử học Mácxit hãy nghiên cứu vì sao nhà nước thịnh, suy mà góp ý cho Đảng không bao giờ để nhà nước ta suy, để muôn dân được hưởng Độc lập - Tự do – Hạnh phúc như cụ Hồ mong muốn. Hỡi các nhà sử học chân chính nước Việt nay!
 Trà Phương  mùa thu năm Kỷ Dậu - Nguyễn Công Kha.
(1) Năm 1813 nhà Nguyễn đổi Trà Hương là Trà Phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét