TRÀ PHƯƠNG- NHÀ MẠC
XÃ HỘI
(81)
BUỒN.
(35)
SUY TƯ
(33)
TRÀ PHƯƠNG và NHÀ MẠC
(31)
DI SẢN VĂN HÓA
(27)
BUỒN
(20)
GIA ĐÌNH
(19)
THỜI SỰ
(19)
LỊCH SỬ
(17)
HỌ NGUYỄN CÔNG - TRÀ PHƯƠNG
(12)
CƯỜI
(11)
VUI
(11)
HỌ NGUYỄN CÔNG
(8)
SỨC KHỎE
(8)
DU LỊCH
(6)
TÔN GIÁO
(5)
BỐC
(4)
GHEN
(4)
PHÁP LUẬT
(3)
XA HOI
(3)
văn hóa
(3)
KINH TẾ
(2)
MÊ
(2)
9 thg 7, 2010
Một vài suy nghĩ về phong thủy làng Trà Phương
Đất nhà Mạc
Trên núi Trà Phương nhìn về phương Nam thấy biển, núi, sông, đồng ruộng, những khu dân cư trù phú thật tuyệt vời, xa xanh là dãy núi đảo Cát Bà và biển Đông dạt dào sóng vỗ, gần là dãy núi Đồ Sơn. Ta có thể tự đo tầm mắt thấy giữa núi Trà Phương và dãy núi Đồ Sơn là Tổng Cổ Trai nơi sinh Hoàng Đế Mạc Đăng Dung đã xây dựng nên một triều đại đầy tranh cãi của lịch sử, nhưng những vật thể và phi vật thể cho ta thấy tầm vóc huy hoàng của triều đại này. Đặc biệt việc tổ chức lễ trọng 468 năm ngày kỵ của Mạc Thái Tổ tại Cổ Trai ta lại thấy hiển hiện sự hùng mạnh của hậu duệ Hoàng Đế Mạc Đăng Dung.
Trà Phương Công Chúa
Giờ Thìn, ngày 5 Tết năm Bính Tuất tôi và con trai Nguyễn Công Khanh lên núi Trà, cùng với đồi Đối cách đó khoảng 1 km đường chim bay về phía Đông Bắc là vệt kéo dài của rặng núi Phù Liễn xuống quần đảo Đồ Sơn(xưa). Trên cao nắng, gió mùa Xuân nhìn đất nước đâu đâu cũng tuyệt đẹp, hình như nhìn quê mình có cảm xúc riêng nên càng thấy cảnh quê tôi đẹp và nên thơ vô cùng. Trên giữa ngọn đồi thân yêu tôi nói với con trai: Tạo hoá thật huyền diệu, ngay nui Trà cũng thể hiện đầy đủ tính Âm Dương, Ngũ hành, phía Tây thuộc Kim chân đồi bị người tàn phá nên dốc đứng cây mọc yếu, phía Đông thuộc Mộc, phía Bắc thuộc Thuỷ nên cây xanh tốt, phía Nam thuộc Hoả nên trơ cằn sỏi đá.
Lên cao ta mới nhìn thấy sự tuyệt vời phong cảnh của từng vùng đất, dưới các học thuyết phong thuỷ ta sẽ thấy ngày xưa làng Trà phía Đông dựa vào núi Trà. Phía Tây nhìn ra dòng sông từ làng Tiên Cầm chảy xuống Cổ Trai đổ ra Đồ Sơn. Phía Bắc là sông nhỏ chảy sát núi Trà đổ về Cổ Trai. Phía Đông nối với làng Quế có thể liền với làng Cổ. Lấy núi Trà làm trung tâm thì phía Đông là núi Đối và sông Đa Độ, phía Tây là vết tích của nhánh sông Văn Úc, phía Nam là làng Cổ Trai, dãy núi Đồ sơn và biển Đông, phía Bắc là dãy núi Phù Liễn như đàn ngựa đang mải miết phi về phương Nam. Phong thuỷ ngoại làng Trà nếu lấy trục Đông Tây mà xem thì: hậu là núi Trà là núi Đối, tiền là sông Văn úc, tả Thanh long là dãy núi Đồ Sơn dài như rồng bay ra biển cả, hữu là dãy núi Kiến An như Bạch hổ vậy.
Phong thuỷ nội lấy đâu làm trung tâm? Chuyện nhà Lê- Trịnh đã triệt mạch làng Trà bằng đào các con kênh, các ao ngang dọc, đập nát các đền đài, để phá huỷ sự tốt đẹp của phong thuỷ mà Trời Đất đã ban cho làng ta? Nhìn về phương Nam lấy núi Trà là Thanh Long, lấy đầm Phủ là Bạch Hổ có đúng không? phải có những nhà phong thủy thâm hậu mới định được vì núi Trà như rồng bay về phương Bắc đã đưa Mạc Đăng Dung từ người dân chài xứ Đông lên Thăng Long lập lên nghiệp Đế. Đầu triều Mạc đã tạo nên một thời đại thịnh trị hơn các triều đại trước và sau này, tạo nên Dương Kinh vùng văn hoá mới tôn trọng sự sáng tạo của người lao động, nghệ nhân… còn ghi lại các công trình nghệ thuật trên gốm, đá… đang tồn tại trong và ngoài nước?
Tất cả các công trình lớn: chùa Thiên Phúc, đình Cả, đình Tân, miếu hai Giáp và phủ Kiến Thuỵ đều nằm ven bờ sông phía Tây. Dòng sông huyền thoại chứa ruộng dải yến Công Chúa và các công trình do cổ nhân xây dựng đã bị thời gian, con người dịch chuyển và phá huỷ thành diện mạo như nay:
Trông vời biển lúa mênh mông
Giờ sao gọi mãi mà không có đò
Vì sông nay đã thành đầm
Con đò chở các miếu đình đi đâu?
Làng Trà Phương nay chia làm 5 xóm con số này có nói nên điều gì không? xóm Núi giáp núi Trà, xóm Trên ở phía Đông xóm có mặt bằng cao hơn cả là khu cư trú của họ Nguyễn Công, họ Vũ, xóm Dưới là nơi cư trú của họ Ngô và họ Nguyễn Công, xóm Ngoài mặt bằng thấp hơn hai xóm trên là nơi cư trú của họ Ngô Trọng, Nguyễn Đình, Nguyễn Phú, Đặng, Vũ Văn… xóm Chợ hay thành Phủ sau năm 1945 phủ chuyển đi, dân các họ chuyển ra.
Có thể dân bản địa phải thiên di theo nhà Mạc sau năm 1592, dân mới đến chắc lại phải thiên di trước 1802 (khi Gia Long lên ngôi) có phải dân ở đây trong thời này liên quan đến nhà Tây Sơn? Theo gia phả các họ ở làng hiện nay thì thiên di đến làng Trà sớm nhất không quá 250 năm? Nên trong lòng dân không có nhiều huyền sử về thời đại nhà Mạc, luyến tiếc với những di sản nhà Mạc đã bị mất đi theo năm tháng chăng?
Thời chiến tranh với Pháp, Mỹ làng Trà là nơi quân đội các bên, các sắc lính Bộ binh, Phòng không, Lính thuỷ đánh bộ, thường xuyên đến đóng quân nên nhiều quan, lính lấy vợ ở lại tạo nhiều họ mới. Làng ta nhỏ về diện tích dân số không đông nhưng có nhiều dòng họ nhất so với các làng bên.
Căn cứ vào cổ sử đặc biệt các văn bia thời Mạc và câu ca:“ Cổ Trai đế vương Trà Phương công chúa” ở vùng Dương Kinh thì khẳng định Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản hoàng hậu của Hoàng đế Mạc Đăng Dung là người sinh tại Trà Phương, đẹp người đẹp nết và ngưỡng mộ đạo phật đã hưng công xây và sửa hàng chục ngôi chùa ở vùng nhà Mạc nắm quyền (1527- 1592). Quá trình cống hiến của Hoàng Thái Hậu với nhà Mạc đặc biệt là thời từ Mạc Đăng Dung – Mạc Phúc Hải cần được nghiên cứu thấu đáo.
Phía Đông là núi Trà Phương
Núi Trà Phương thuộc địa phận thôn Trà Phương, Thụy Hương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Tọa độ 20 0, 44’, 20”B, 106 0, 39’, 30” Đ, cao 52 m, sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết núi này cách huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương 7 dặm về phía Tây. Sách “Hải Dương toàn hạt dư địa chí” cho biết núi Trà Sơn, tại xã Trà Sơn, tổng Trà Hương, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương, cao 30 trượng, rộng khoảng 100 mẫu. Chân núi có đền Linh Quy (Rùa Thiêng), trong sân đền có một khối đá thiêng hình Rùa nổi lên, bên cạnh có giếng nước rất ngon. Trong vùng đầm ao, sản nhiều rùa, dân không dám bắt, không cho mang ra khỏi làng, dân quanh vùng cũng thờ thần Linh Quy. Nay có nhiều di tích tâm linh đã được dựng lại như: chùa Vĩnh Khánh, Chùa Linh Sơn, nhưng còn miếu thần Đại Vương Linh Quy ở phía Tây Bắc làng Trà là chưa được phục hồi. Theo tôi biết miếu thờ thần Đại Vương Linh Quy nằm ở phía Tây Bắc, gần ao Hang (hiện nay ao vẫn còn) cửa miếu hướng Tây Bắc, tuy diện tích và kiến trúc không lớn nhưng rất linh thiêng, được dựng khi con người đến cư trú ở vùng này. Xưa trên đất cây các loại mọc um tùm tươi tốt, chim chóc bốn mùa ca hát, dưới nước vô cùng nhiều Rùa sống ở ao Hang và toàn lãnh thổ Trà Phương, làm chốn này như bồng lai tiên cảnh, sau miếu đổ, người phá thì Rùa cũng dần biến mất. Có nhiều câu chuyện về sự báo ứng với những người do vô tình hay cố ý xâm phạm vào Miếu đến nay vẫn còn được lưu truyền. Vào những năm 90 thế kỷ trước Quân đội muốn làm đường qua miếu nhưng khi san gần đến cửa Miếu thì máy xúc bị hỏng, chữa, rồi lại hỏng, họ phải thắp hương xin thần Linh Quy mới kéo máy xúc ra ngoài và tư bỏ việc san nền móng Miếu. Nay dù miếu đổ nhưng cây vẫn mọc xanh tốt hơn những khu liền kề che mát khối đá thiêng hình ông Rùa, chim chóc vẫn bốn mùa ca hát cho Đại Vương Linh Quy suy ngẫm sự đời.
Núi Trà còn nhiều di tích đã đi vào huyền thoại như hang Chúa Thao, Chúa Phấn, xưa có người muốn hậu duệ phát đạt đem hài cốt bố mình táng vào hang, rồi cả nhà bị ốm, ghẻ lở, khi trả lại sự thanh sạch của hang Chúa thì tự nhiên khỏi bệnh. Bốn cây quéo ở hai đầu núi phía Nam, phía Bắc cao hàng chục mét, gốc to đến 5 người ôm bốn mùa xanh tốt vào cuối thế kỷ XX tự nhiên chết gắn với với huyền thoại về người Tầu giấu vàng từ xưa và lấy đi.
Xưa trên núi Trà nhìn về phía Tây, trên cánh đồng Hương thấy hai thửa ruộng tạo nêm hình cái gương, cái lược, diện tích mỗi cái khoảng 2 sào, trước CCRĐ ông Ngô Duy Khôn trưởng tộc Ngô Duy cấy lúa, trồng khoai sản vật đều ngon hơn những thửa ruộng bên, đặc biệt khoai lang gọi là : chột lột, vỏ màu trắng to như nắm dao, luộc, ăn bở thơm ngon như bánh khảo. Cổ nhân truyền rằng cái gương, cái lược là biểu tượng của Thái Hoàng Thái Hậu. Khoảng những năm đầu thế kỷ XXI người canh tác mới đã xoá mất hai biểu tượng này.
Phía Bắc:
Nghĩa địa Mả Vối nhìn từ trên cao đẹp như con ngựa nằm nghiêng đầu quay về núi, chân hướng về Văn Hòa, lưng hướng về xóm Trong, những năm 60 thế kỷ XX hài cốt táng ở mả Đò được dồn về đây để khu ấy làm trận địa tên lửa. Mả Vối nay lăng mộ đang được xây dựng như thành phố dành cho người đã khuất.
Cách mả Vối hơn 200m về phía Nam là đình Phúc, khuôn viên 30 x 20 m hình chữ Đinh cửa quay hướng Tây, cũng thờ thần như đình Cả, cùng ra đời cùng đình Tân, là hậu quả của sự mất đoàn kết sâu sắc giữa họ Ngô và các họ trong làng vào cuối thế kỷ XIX nên chia phe, chia Giáp. Họ Nguyễn Công, Nguyễn Văn, lập ddinghf Phúc, họ Ngô Trọng, Nguễn Phú, Nguyễn Đình lập đình Tân. Hai đình này đều bị phá vào năm 1947, nay còn nền đình Phúc được dân trồng mầu.
Phía Tây Bắc có chùa Thiên Phúc, diện tích khoảng 6 mẫu, sử Việt có ghi tại Trà Hương có chùa của người Chăm bị nhà Lý bắt làm tù binh buộc ở vùng này dựng nên, sau người Chăm bỏ về Nam nơi thờ bỏ hoang nên người Việt gọi là chùa Bà Đanh nay còn dấu tích tại khu mả Đò, lối sang làng Du Lễ bây giờ, đến nhà Mạc, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản cùng 18 thân Vương nhà Mạc chuyển xây dựng tại địa điểm hiện nay, đổi tên là Thiên Phúc tự. Chùa có nhiều hiện vật, văn hoá thời Mạc, thời Nguyễn, hệ thống tuợng Phật được tạc khắc rất tinh xảo, đặc biệt có hai pho tượng đá xanh tạc Hoàng đế Mạc Đăng Dung và Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản, nay thờ ở bên phải, bên trái thờ Tam toà Thánh Mẫu. Phía Đông là nơi thờ tổ trong đó có thờ một vị quan nhà Mạc Chúc Hiên tiên sinh, một người Pháp có tên Việt là Nguyễn Di Đăng người có công xây, sửa chùa, như vậy nhà thờ tổ đã ghi lại việc sửa chùa có sự tham gia và người Pháp.
Cửa chùa là bến cho thuyền các nơi về buôn bán, tháng Dậu hàng năm là nơi hát đúm, hội chùa Trà, nay bị bồi thành đầm cấy lúa hai mùa.
Vùng này khi chưa có đê biển thuỷ triều còn tác động nên những loài cá nước lợ như Vược, Măng… sống rất nhiều trong đầm hồ, là nguồn thực phẩm của dân làng.
Bà Ngô Thị Dĩnh (? – 1963, hậu duệ đời thứ tư của cụ Ngô Duy Nhất) chồng người Pháp tên Việt là Nguyễn Di Đăng làm Giám đốc Đài thiên văn Phù Liễn, Kiến An bỏ hàng vạn quan tiền để xây lại chùa. Nội tôi kể: khi xây lại chùa Bà Dĩnh đã lập hai phường thợ nề một bên, phường thợ mộc một bên để thi đua xây dựng cho đẹp và nhanh chóng, khánh thành chùa mở hội hát đúm dài đến mươi ngày. Cuộc cải cách ruộng đất đã làm bà Dĩnh khánh kiệt, bà phải sống nhờ người cháu nhưng vẫn giữ được cốt cách cao sang của người có thế lực và văn hoá ở đẳng cấp cao. Chiều mùa hè bà thường tắm ở ao nhà tôi (của cụ Hậu để lại chiều dài khoảng 50*20 m, rất sâu nên nước trong, mát, ven bờ trồng rau muống, có cầu ao là bia đá xanh ở giữa bờ chính hướng Nam. Tôi khoảng 5- 6 tuổi phải ngồi trên bờ đợi bà tắm xong mới dám xuống bơi lội, giờ đã cao niên nhớ lại bà Dĩnh tuyệt đẹp, cao khoảng 1m 55, khuôn mặt hơi tròn, mắt sáng thần thái rất ung dung, da trắng hồng hào, đặc biệt hai bầu vú của bà tròn trịa, nhũ hoa vẫn tươi hồng dù bà đã hơn 70 tuổi rồi, thật là tuyệt tác của tạo hoá (đúng là gái Trà Phương Công Chúa). Năm 1936 - 1938 sửa chùa Thiên Phúc, dựng chợ Phủ, năm 1945 dân làng đói bà đem tiền về phát chẩn. Ôi !buồn thay đào hoa bạc mệnh, về già bà sống cô quả, lúc chết các cháu không quan tâm đến nay không rõ mả ở đâu? Đây có phải là phép thử lòng người trước bạc tiền và nhân nghĩa chăng?
Hướng Tây
Đầm Phủ dấu vết của dòng sông cổ, tuyến vận chuyển muối lên Thăng Long, nơi xẩy ra nhiều trận thuỷ chiến giữa người Nam và phong kiến phương Bắc, giữa nghĩa quân Nguyễn Hữư Cầu, Phan Bá Vành và nhà nước phong kiến nước Nam, bên kia bờ đầm có đền thờ hai danh tướng thời cổ Vũ Hải và Trương Nữu. Bên bờ phía Nam là Mả Đò, bờ phía Bắc là phủ Kiến Thụy, ven bờ phía Đông có ngôi mộ cao khoảng 2m, đường kính khoảng 6 m của tiền nhân Ngô Duy Nhất là hậu duệ đời thứ 2 của họ Ngô Duy, được tiền nhân chánh tổng Nguyễn Công Hậu gả con gái là Nguyễn Thị Tô, cho ăn học và tranh tài được chức chánh tổng Trà Hương, là tổ ngành thứ II của họ Ngô Duy, là người có thế lực đã tranh tụng với triều Nguyễn đòi được ruộng dải yếm bà Công Chúa cho làng (năm 1592 nhà Lê thu ruộng Dải Yếm), cuối thế kỷ XIX có hậu duệ là chánh Linh nổi tiếng giàu có và thế lực trong vùng, nay còn ngôi nhà thờ lớn ở giữa làng có bức Đại tự to, đẹp nhất làng.
Phía Tây Nam
Có ngôi đình Cả, nền đình cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 1,5 m, rộng khoảng 6 mẫu, được dựng vào thời Lý, sưả lại thời Mạc, Nguyễn thờ ba thành hoàng là: Thiên thần Vọng Hào (nên làng tôi kiêng húy gọi tiền hào là hầu và các chữ có liên quan đến từ hào đều được đọc trại đi), Hoàng Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản, Đại Vương Linh Quy. còn thờ cả Hoàng Đế Mạc Đăng Dung, đây là công trình văn hoá thời Mạc.
Đình Tân ở gần đình Cả, bên bờ đầm có cây Đề gốc to đến mấy người ôm, ngọn cao vài chục mét, nơi bốn mùa chim từ khắp phương trời về đây sinh sống và ca hát cho dân làng hóng mát dưới bóng cây, lấy nhựa dính chuồn chuồn để bẫy chim bẻo…, vỏ nhuộn áo quần. Dưới gốc cây Đề cũng là bến đò vượt sông cổ sang trang Du Lễ một làng có nhiều người đỗ đạt về văn, có hai đền thờ quan võ là Trương Nữu và Vũ Hải đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp chống lại sự xâm lược của phương Bắc, tất cả đều bị phá khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, giờ chỉ còn một cây nhãn, tương truyền những cây nhãn trồng ở Đình, Chùa nguồn từ một chùa ở Hưng Yên mang ơn của Hoàng Thái Hậu tặng làng Trà.
Phía Tây Bắc Đầu thế kỷ XX người Pháp xây phủ Kiến Thuỵ hình vuông 300 X 300 m, cửa phủ mở hướng Nam, theo kiểu thị trấn có bưu điện, chợ… Phiá Nam có đường đi ven đầm nối ra chùa Mục đồng sang làng Phương Đôi để đi đò Vọ, đi ngược lại là đường qua cửa Chùa, qua giữa làng Trà sang Thanh Sơn đi lên Kiến An, được giải đá cấp phối dân gọi là đường Tây. Xung quanh phủ có thành cao khoảng 5m, bề mặt rộng khoảng 10m, phía ngoài trồng tre gai, tiếp đến là hào sâu, phía đông còn có hào ngoại nay là đường sang Phương Đôi. Chợ Phủ giáp chùa là nơi xưa buôn bán sầm uất hàng huyện.
Làng Trà Phương cổ tên là Trà Hương năm 1813 nhà Nguyễn cho là phạm húy đổi thành Trà Phương. Trà Hương dịch theo tiếng Hán là: hương trà thơm, xưa hay lấy địa danh theo một vật thể ở vùng đó, có thể núi Chè ngày xưa có loại chè ngon mọc tự nhiên chăng nên gọi là Trà Hương? Trên không ảnh ta nhấy phong thủy làng thật tuyệt vời, nếu theo trục Đông- Tây, từ xa dãy núi Đồ sơn là Thanh Long, dãy núi Phù liễn là Bạch Hổ, Hậu là núi Trà, Tiền là đầm Phủ .
Nhưng theo thuyết của Dương Quân Tùng thì lại rất xấu với những công trình cửa quay hướng Tây, nếu xây vào ngày sát chủ- không vong, lịch sử cho ta thấy: Đình bị phá, Chùa sát chủ và cô quả, nhà thờ tiền nhân Ngô Duy Nhất nghành trưởng không còn người nối dõi, phủ Kiến Thụy đối với Mả Đò (âm sát dương) dù đẹp và hiện đại vậy mà tồn tại không được một Hoa Giáp. Mả Đò nơi an nghỉ biết bao thế hệ dân làng thế mà phải di chuyển, bao hài cốt còn nằm đó bị xe pháo quần nát, người ham khai phá cấy trồng tưới phân lên di cốt biết nói làm sao cho vừa? Quê tôi một thời oanh liệt mà nay như thế này sao? Câu hỏi khiến ai ngộp thở khi nghĩ về lịch sử, nghĩ về tiền nhân.
Đến thời hiện đại: tên lửa bắn từ Mả Đò quần nát tâm linh, đến nay ai trồng cấy trên đất này cũng gặp điều không lành, Núi Trà là bia để tập bắn, Mả Vối nhìn từ trên cao như con ngựa nằm nghiêng đẹp làm vậy ai đã xẻ ngựa ra nhiều mảnh thương thay? Dân cư ở vùng đất cao hơn, vùng đất canh tác sao nhiều ao sâu và to đến vậy? Miếu Đại Vương Linh Quy, Đình Cả bị thời gian và người phá, mấy người muốn phục dựng? Ao đình có thể chứa nhiều bí ẩn thời nhà Mạc bị hút đi nhiều di vật mà ai biết?...
Những năm 60 thế kỷ trước, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” do cụ Hồ phát động các phụ lão đã trồng hàng dừa ven đường Tây bốn mùa vi vu gió hát, quả thơm mát chia cho từng hộ hưởng để vơi dần cái nóng mùa hè và vô hình đã hóa giải một phần sát khí, phù cho dân ta đã tạo nên những kỳ tích của HTX Bình Minh với sáng kiến: cào cỏ kiểu mới, làm thay đổi lối canh tác cổ hủ, tạo nên năng xuất cao hơn xưa... được hai phó Thủ tướng về thăm, dân quân bắn rơi máy bay AD6 của Hoa Kỳ... ai lại tàn phá hàng dừa, khiến sát khí trở lại? Chùa làng Thiên Phúc, tên và cảnh vật đẹp làm sao, mà dân làng mấy ai chăm lo, bảo vệ? nếu không có Hòa thượng Thích Quảng Mẫn thì chùa ra sao? Việc làng ai lo? thành tích thì ai cũng nhận.
Sự tàn phá phong thủy có hay, có dở không? Ta có thể ngược dòng lịch sử thấy cách đây khoảng 200 năm làng ta dân số có thể không quá 600 người? theo gia phả các họ ta thấy các đời suất đinh mỗi họ không quá 20 mà dựng lên ba đình: Cả, Tân, Phúc. Từ lâu người làng ta không có người thành đạt về văn, võ đến hoạt động kinh doanh...? Từ xưa đến nay danh tiếng người làng Trà vượt qua lũy tre làng lại là nữ nhân: Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản, bà Ngô Thị Dĩnh (? - 1963) là còn để lại những công trình kiến trúc để đời, còn ai xin được ghi danh?
Việc người và thời gian phá hủy các công trình mang tính tâm linh chúng ta đã chứng kiến: Miếu thờ Đại Vương Linh Quy bị Tây bắn sập một số người dỡ lấy vật liệu và dân truyền miệng: nơi đó có nhiều người bị bệnh không bình thường và chết bí hiểm, đặc biệt vụ nổ đạn cối làm chết mấy thiếu niên năm xưa.
Xưa truyền lại cửa hang Chúa(ở đầu núi phía Nam cửa hướng về mả Đò) nhìn xuống làng: khó nuôi được lợn… vậy nghe đâu có một số người muốn dựng đình vào phương này, vùng có nhiều sát khí lại thấp trũng, có nhiều nhà vệ sinh chĩa vào, vậy đình quay hướng nào? phía Đông hướng vào hang Chúa Thao, tiếp đến lăng liệt sĩ, bốt điện và ao vừa lấp, phía Tây là nghĩa địa đồng thời là trận địa tên lửa, liệu có nguy không?
Đình xưa có vị trí địa linh đã tồn tại hơn nghìn năm, Đình ngày nay làng phục dựng theo kiến trúc xưa, nhưng công năng của đình chúng ta cần nhận thức mới: hậu cung là nơi thờ Thành Hoàng, tiền đình có thể sử dụng cho văn phòng của trường học, cho việc công của làng, xã. Đâu cần phải di chuyển trường vì trường học mới là việc công lớn cho trăm năm là trồng người, đình chỉ có nâng cao linh khí, dân trí, nếu ta biết phát huy công năng của đình. Được vậy sẽ phát huy hiệu quả cao nhất công năng của đình, tiết kiệm được quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp liệu có hay không?
Cho nên chọn nơi dựng đình và hướng đình là tối quan trọng không thể làm bừa theo ý một số người, mà phải có chấp thuận của nhà nước, có cơ sở khoa học, thì mới tụ được linh khí, thu phục được nhân tâm. Nếu không mọi việc đều ngược lại?
Vài thiển nghĩ thô mộc xin bầy tỏ với các bậc cao niên và dân làng để cùng nhau suy nghĩ và có nhiều sáng kiến hay để làm cho làng Trà ngày càng tốt đẹp, hậu duệ ngày càng phát triển, sánh cùng thiên hạ, thì tiền nhân mới thỏa lòng, chứ cứ theo cách nghĩ, cách làm cũ e rằng chúng ta có lỗi với tiền nhân và hậu duệ?
Ôi! một chút bàn về phong thủy và viết nên những sự thật đã xảy ra trên quê tôi để chúng ta nghiên cứu, tránh những điều không lành, vì: có thờ có thiêng có kiêng có lành, mà một số người buộc cho mình dị đoan? Nghĩ chuyện xưa thương anh con bá ruột tôi vì sao lại chết một cách khó hiêủ? Chuyện đời sợ sự thật, thích trí trá tất lòng đã không thành rồi? thì sao làm được việc lớn.
Buồn thay kẻ xấu lại hay nói chuyện tâm đức, nhân, lễ, tín…khoe khoang cái ít của mình như là lớn lắm. Ngẫm sự đời Tôi càng thấy VŨ TRỤ vĩ đại và công bằng, thật là:
Trời cao xanh Soi xuống,
Đất tưởng to mà quá mỏng manh
Đời người mấy giây so cùng VŨ TRỤ
Làm càn liệu có nguy không?
Khi cao niên người ta hay nghĩ về xưa, học người xưa, muốn cho người nay đỡ đóng học phí, liệu ai nghe đây? Nhưng thật là :
Quê tôi như dải lụa điều
Phất phơ trước gió tôi yêu suốt đời
Có bà Công Chúa một thời
Đem lại no ấm cho người dân quê
Mỗi khi đến độ xuân về
Muốn làm ngọn gió gửi về quê tôi
Để cho sức sống một thời
Bừng lên trong mỗi con người quê tôi
Trà Phương mùa Xuân năm Canh Dần.Nguyễn Công Kha
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét